Tâm lý nạn nhân (victim complex) là gì? Những người luôn luôn đổ lỗi cho người khác và xem mình là nạn nhân của tất cả mọi người. Khi bị người khác chỉ ra lỗi sai của mình, người có victim complex sẽ có xu hướng lảng tránh, ngụy biện, và tìm cách làm người khác thương xót thay vì trách phạt mình.
Tâm lý nạn nhân là gì?
Tâm lý nạn nhân, victim complex, hay martyr complex là một hội chứng rối loạn tự điều chỉnh khiến chủ thể luôn đặt mình làm nạn nhân của mọi việc. Nếu một người mắc chứng victim complex, họ sẽ thường làm quá, kịch tính hóa và tiêu cực hóa những trải nghiệm. Với mục đích đổ lỗi hoặc tìm kiếm sự thương hại từ người khác.
Khi “đóng vai” nạn nhân, các “Thị Mầu” không phải gánh vác trách nhiệm gì. Mà ngược lại còn được mọi người xung quanh ra tay giúp đỡ. Bạn sẽ luôn thấy họ luôn than vãn rằng họ đã “phải làm nhiều việc hơn vì gia đình khó khăn” hay “không đạt chỉ tiêu vì đồng nghiệp làm việc kém hiệu quả”.
Thỉnh thoảng họ còn được người khác công nhận. Chẳng hạn như “đừng tự trách mình nữa, bạn đã làm hết sức mình rồi!” hay “bạn không tệ như bạn nghĩ đâu, bạn rất giỏi cơ mà!”.
Ấy vậy nhưng đồng thời họ cũng khuyến khích những việc đó xảy ra. Và không muốn làm gì để thay đổi tình thế cả. Hội chứng Hiệp sĩ trắng cũng phần nào có liên quan đến chứng rối loạn tâm lý này.
Đọc thêm:
Victim Mentality là gì?
Victim mentality, còn được gọi là “tâm lý nạn nhân” trong tiếng Việt, là một cách gọi khác của victim complex. Tuy nhiên, người có tâm lý nạn nhân thường tự cho mình là nạn nhân của mọi cớ sự. Nói cách khác, những người luôn nghĩ mình là nạn nhân tin rằng cả thế giới đang âm mưu chống lại họ.
Người có tâm lý nạn nhân luôn suy diễn thái quá về những chuyện không may xảy ra với họ hàng ngày.
- “Đồng nghiệp cãi nhau với mình vì họ không ưa mình, chứ không thể có lý do nào khác hết!
- “Cấp trên phê bình mình trước tập thể chắc chắn là vì cấp trên hạch sách với mình. Có thể là sếp muốn dìm mình để ưu ái nhân viên mới vào rồi.”
- “Tháng này nhóm mình không đạt KPI, tháng trước cũng không. Hẳn là họ muốn chèn ép mình đây mà, chứ làm sao có thể như vậy được?”
Cho dù là việc gì, các “nạn nhân” cũng cảm thấy tiêu cực vì nghĩ rằng mình bị người khác hãm hại. Nếu có vấn đề xảy ra thì đó là do người khác làm và nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Chứ bản thân họ hoàn toàn không làm gì sai để phải gặp chuyện như thế.
Cách nhận diện “Thị Mầu” nơi công sở
Bất kỳ ai cũng đều có khả năng trở thành kẻ xấu trong câu chuyện của người khác. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp giúp bạn bắt bài “Thị Mầu” nơi công sở:
Lảng tránh trách nhiệm
Một trong những vấn đề lớn nhất của những người mắc chứng tâm lý nạn nhân đó là họ thiếu trách nhiệm. Những vấn đề sẽ xảy ra, nhưng bạn chắc chắn có thể sửa chữa được. Cách tốt nhất để “vươn lên từ bùn lầy” đó là bạn phải biết chịu trách nhiệm cho mọi việc mình làm.
Nếu cấp trên giao cho bạn một task gì đó, hãy cố gắng hoàn thành nó tốt nhất và bảo đảm không bị trễ deadline. Nếu chẳng may bạn có mắc sai lầm, hãy thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình. Và tìm mọi cách để sửa chữa những hậu quả mà bạn đã gây ra.
Nhưng với những người mắc chứng victim complex, việc này sẽ khó hơn bao giờ hết. Mỗi khi gặp rắc rối gì đó, các “Thị Mầu” thường sẽ:
- Đổ lỗi cho đồng nghiệp: “Dạ file báo cáo em nộp trễ deadline tí ạ, em làm phần em xong rồi nhưng mà tại phần của chị A em thấy chưa hoàn chỉnh nên em phải chỉnh sửa lại tí”
- Kiếm cớ để ngụy biện: “Dạ nay em đi làm trễ tí nha chị, tại nay đường hơi kẹt xe ấy ạ”
- Không chịu thừa nhận lỗi sai của họ: “Task này hôm nay phải nộp hả chị? Tại em thấy bạn A cũng làm task này mà deadline của bạn ngày mai, nên em tưởng task của em cũng vậy”
- Tìm mọi cách để lảng tránh trách nhiệm của mình: “Phần này làm như vậy không đúng hả chị? À chị ơi em chợt nhớ ra em chưa hiểu kỹ chỗ này, chị phổ biến lại chỗ này giúp em nhé!”
Những người như vậy có thể trở thành mối nguy cho tập thể công ty. Và họ chắc chắn sẽ phạm sai lầm (nhiều) lần nữa. Bởi họ chưa bao giờ thực sự rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm của mình.
Giải thích thay vì giải quyết
Khi đi làm, sẽ có rất nhiều công việc buộc bạn phải làm việc nhóm thay vì làm độc lập. Do đó, nhiều vấn đề đôi khi không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhưng vì những người mắc chứng tâm lý nạn nhân không thể tự chịu trách nhiệm. Họ sẽ tìm mọi cách để thái thoát vấn đề, hay viện cớ để ngụy biện cho bản thân. Chứ không hề bận tâm đến việc phải giải quyết như thế nào.
Thậm chí, mỗi khi có ai đề xuất phương án giải quyết, những người này sẽ tỏ ra không phục. Thay vì góp ý để cải thiện tình hình, họ sẽ tìm mọi cách để chỉ ra vì sao phương án đó không có hiệu quả. Chẳng những đây là một cách phản ứng tiêu cực. Nó còn khiến vấn đề ban đầu thêm rắc rối và làm mất thời gian của mọi người hơn.
Luôn có cái nhìn bi quan
Những người mắc chứng tâm lý nạn nhân luôn tự cho rằng bản thân họ bất tài và vô dụng. Sở dĩ họ không thể thoát ra khỏi vòng lặp tiêu cực là vì họ luôn tự bi lụy với chính mình. Với bất kỳ vấn đề gì, họ cũng đều nhìn nhận chúng bằng cái nhìn tiêu cực.
Một số “câu cửa miệng” của người mắc chứng tâm lý nạn nhân là:
- Tôi lúc nào cũng gặp chuyện xui xẻo hết.
- Có cố cũng không giải quyết được đâu, cố làm gì?
- Tôi lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người mà mọi người chẳng bao giờ chịu nghĩ cho tôi!
- Em không biết em đã làm gì sai mà các anh chị lại đối xử với em như vậy!
- Tôi thấy cách này không ổn đâu, không có cách nào giải quyết được vấn đề này hết.
Cứ mỗi lần gặp khó khăn, họ lại tự nói với bản thân những câu như thế này. Đến một lúc nào đó, chúng không còn là những suy nghĩ bâng quơ nữa. Mà thực sự ngấm ngầm ăn sâu vào tư tưởng của họ. Khiến cho họ ghét bỏ bản thân và nghi ngờ thực lực của mình hơn.
Luôn tự ti về bản thân
Những người mắc phải chứng tâm lý nạn nhân thường có xu hướng tự nghi hoặc bản thân. Họ cũng là những người có lòng tự trọng thấp hơn bình thường.
Họ là những người ngại đương đầu với mọi thử thách. Luôn muốn tìm con đường dễ nhất để đi. Trước khi muốn làm việc gì, họ đều nghĩ rằng mình không có khả năng làm tốt việc đó.
Cụ thể, nếu công việc hiện tại không mang lại niềm vui hay lợi ích xứng đáng cho các “Thị Mầu”. Thì thay vì tìm kiếm một công việc mới, họ sẽ nghĩ rằng mình không đủ giỏi để làm việc ở một môi trường tốt hơn.
Họ có thể sẽ lo ngại rằng một công việc như họ mong muốn sẽ có yêu cầu cao và nhiều áp lực hơn. Vậy nên thay vì chuẩn bị thật tốt để đáp ứng thị trường, họ sẽ tiếp tục cam chịu công việc hiện tại. Để rồi ngày nào cũng quanh quẩn trong đầu sự những suy nghĩ bất mãn và tiêu cực.
Vì sao chúng ta mắc chứng tâm lý nạn nhân?
Giống với nhiều hội chứng rối loạn nhân cách khác, tâm lý nạn nhân có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể kể đến, đó là:
Tổn thương trong quá khứ
Nếu lỡ bắt gặp “Thị Mầu”, bạn chớ vội mà đánh giá họ là người thái quá hay bi quan nhé. Rất nhiều “nạn nhân” của tâm lý nạn nhân thực chất là nạn nhân của một trải nghiệm tiêu cực nào đó trong quá khứ.
Trải nghiệm tiêu cực đó có thể xảy ra từ khi họ còn nhỏ, hoặc trong quá trình trưởng thành. Chúng để lại một nỗi đau tinh thần lớn cho người trong cuộc. Và để thích nghi với nỗi đau, tâm lý của những người này hình thành nên nhiều cơ chế phản ứng tiêu cực để bảo vệ cho họ.
Vậy nên việc đóng vai “nạn nhân” có thể là cách để họ đối mặt với việc bị áp bức tinh thần. Hoặc những trải nghiệm khó chịu tương đồng với trải nghiệm của họ trong quá khứ.
Không phải ai từng bị tổn thương trong quá khứ cũng đều trở thành “Thị Mầu”. Nhưng cần biết rằng, mỗi người có một giới hạn chịu đựng khác nhau. Cách chúng ta phản ứng với nghịch cảnh cũng khác nhau.
Nghịch cảnh có thể là động lực giúp bạn thêm mạnh mẽ hơn. Nhưng với một số người, nó cũng có thể khiến họ cảm thấy bị mắc kẹt. Từ đó nảy sinh cảm giác bất lực và nhiều cảm xúc tiêu cực khác.
Bị phản bội
Nếu một người từng bị phản bội, hoặc từng bị đánh mất lòng tin nhiều lần trong quá khứ. Nhiều khả năng họ cũng sẽ cảm thấy mình giống như một nạn nhân. Và trở nên khó tin tưởng người khác ở hiện tại.
Thực tế, nhiều trường hợp các “Thị Mầu” đến từ những gia đình không hạnh phúc. Những người này thường bị cha mẹ của mình thất hứa nhiều lần. Có thể là vì họ luôn bận rộn lo toan công việc, nên luôn hứa suông với con mình mà quên thực hiện. Một số trường hợp thì người phản bội lòng tin của họ lại là người “chung chăn gối” của họ.
Nhìn chung, cảm giác bị phản bội nhiều lần sẽ khiến cho người bị phản bội mất lòng tin ở người khác. Dần dà, họ nảy sinh ý nghĩ rằng tất cả mọi người đều sẽ đối xử tệ với họ. Nếu không được tiếp cận với các phương pháp tự chữa lành, họ có thể sẽ chìm đắm trong tâm lý nạn nhân.
Mối quan hệ độc hại
Tâm lý nạn nhân cũng có thể được hình thành từ các mối quan hệ độc hại mà ở đó, cả các bên đều phụ thuộc lẫn nhau. Hoặc cũng có thể đến từ việc họ phải phụ thuộc vào một người nào đó.
Ví dụ, nếu ai đó luôn “đóng vai” nạn nhân để thu hút sự chú ý từ người khác. Rất có thể là vì người đó từng phải phụ thuộc vào cha mẹ khi còn bé. Khi đi làm, những người này cũng sẽ thường lảng tránh trách nhiệm. Vì họ đã không được dạy tính độc lập và kỉ luật từ phụ huynh của mình.
Hoặc nếu một người từng có bạn đời độc hại, nghiện rượu hoặc lạm dụng tinh thần họ thường xuyên. Vậy thì người đó cũng có khả năng cao sẽ chịu đựng thiệt thòi khi đi làm. Hoặc luôn than vãn mỗi khi có vấn đề gì đó xảy ra.
Victim Complex ảnh hưởng đến “thân chủ” như thế nào?
Việc “đóng vai” nạn nhân có thể mang lại cảm giác an toàn hoặc nhẹ nhõm tạm thời. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ có lợi cho bạn trong thời gian dài. Trên thực tế, tâm lý nạn nhân khiến cho chủ thể bị mất kết nối với thực tại. Đồng thời khiến cho họ dần đánh mất sự kiểm soát bản thân.
Một số tác hại khác mà tâm lý nạn nhân có thể gây ra, đó là: sức khỏe tinh thần không lành mạnh, khả năng kết nối với xã hội kém, có hành vi tự hủy hoại bản thân.
Còn nhiều và nhiều nữa những tác hại khác đến từ hội chứng “Thị Mầu” này có thể kể ra dưới đây:
- Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ cá nhân
- Luôn cảm thấy có lỗi, mặc cảm hoặc không thể làm hài lòng người khác
- Luôn cảm thấy ngột ngạt, uể oải
- Khó cảm thấy hài lòng với cuộc sống
- Cảm thấy tuyệt vọng vì không thể thay đổi hiện thực
- Lo sợ sẽ bị hãm hại hoặc lợi dụng bởi những người xung quanh
- Không cảm thấy hài lòng với những thành công mà mình đạt được
Victim Complex ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
Sẽ ra sao nếu làm việc chung với một “Thị Mầu” lúc nào cũng bi quan và ủ rũ? Có thể bạn không nghĩ đến, nhưng victim complex cũng có hại như việc hút thuốc vậy. Chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chủ thể. Nó còn gây ra những tác hại không ngờ đến những người xung quanh.
Những đồng nghiệp “Thị Mầu” sẽ tìm mọi cách để thao túng tâm lý người khác. Dù cho họ có cố tình làm điều đó hay không. Chẳng hạn như hỏi ý kiến của bạn trước một vấn đề khó giải quyết. Nhưng đến khi bạn đưa ra ý kiến của mình, họ sẽ gạt đi ý kiến đó.
Người đó có thể sẽ nói với bạn rằng bạn chẳng giúp ích được gì cho họ cả. Thậm chí còn khiến vấn đề của họ ngày một tệ hơn.
Nhìn chung, các “Thị Mầu” sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hoặc có thể tìm cách lợi dụng bạn để trục lợi cho họ. Từ việc thường xuyên giúp đỡ họ trong công việc, cho đến chịu trách nhiệm chuyên môn thay cho họ.
Làm sao để thoát khỏi tâm lý nạn nhân?
Cần hiểu rằng, không có ai sinh ra là nạn nhân của cuộc đời cả. Mỗi người chúng ta đều có một hệ giá trị riêng và đều có quyền hạn như nhau. Dù xuất phát điểm của bạn có như thế nào.
Victim complex không phải là một căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Mà nó chỉ là một dạng hành vi giúp chúng ta đối mặt với khó khăn dễ dàng hơn. Nếu bạn vô tình nhận ra mình đang mắc phải hội chứng này, hãy tham khảo những phương án dưới đây để lấy lại kiểm soát cho bản thân:
Chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn
Chìa khóa để trưởng thành đó là học cách chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn. Chủ tịch tập đoàn Microsoft, tỷ phú Bill Gates từng có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, đó mới chính là lỗi của bạn.”
Bạn có thể bắt đầu thay đổi cuộc sống của bạn từ hôm nay bằng cách liệt kê ra những việc, dù là nhỏ nhất, mà bạn có thể làm để thay đổi tình hình.
Nếu bạn mới bắt đầu đi làm, bạn có thể tìm cho mình một người mentor để học hỏi nhiều hơn từ người đó. Một người mentor có thể giúp bạn trau dồi thêm kỹ năng khi đi làm. Hoặc tạo điều kiện thuận lợi để bạn phát triển trong công việc.
Nếu là người đã có nhiều kinh nghiệm đi làm, bạn có thể tự đặt lại câu hỏi về mục tiêu công việc của mình. Ngoài mục tiêu tài chính, bạn còn muốn lao động để cống hiến điều gì cho xã hội?
Khi đã có câu trả lời của mình, hãy tập trung trau dồi bản thân và hướng tới việc chinh phục mục tiêu đó. Như vậy bạn sẽ thấy mình có nhiều quyền chủ động hơn mà không sợ phụ thuộc vào ai cả.
Tin vào khả năng của bản thân
Rất có thể trong quá khứ, từng có người nói với bạn rằng bạn sẽ chẳng làm được trò trống gì. Đó là một nhận định phiến diện của người khác, và họ không thực sự hiểu được bạn. Vậy cho nên bạn chớ mà vội tin vào những gì họ nói.
Để lấy lại niềm tin vào bản thân, hãy tập nói những lời tốt đẹp với chính mình mỗi ngày. Đọc sách báo, hoặc nghe nhiều podcast có nội dung tích cực, truyền cảm hứng nhiều hơn để thấy rằng cuộc đời không u tối như bạn nghĩ.
Dành nhiều thời gian hơn cho những người bạn, hay đồng nghiệp giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về mình. Loại bỏ những mối quan hệ thường xuyên khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Đừng cho phép bất kỳ ai có cơ hội bôi nhọ hay khiến bạn cảm thấy tự ti về mình.
Tử tế với bản thân hơn
Yêu thương bản thân đúng cách lúc nào cũng là một task khó nhằn. Nhất là khi bạn từng trải qua việc bị lạm dụng tinh thần. Hoặc có nhiều tổn thương tâm lý trong quá khứ.
Nhưng khó không có nghĩa là không có cách. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận được đến nhiều nguồn thông tin đa dạng, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Bạn có thể tham khảo một số cách để đối đãi với chính mình tốt hơn trên Internet. Ngoài ra, hãy hạn chế việc tự khiến bạn cảm thấy không thoải mái nhiều nhất có thể.
Quá khứ của bạn không định nghĩa bạn là ai, cũng không viết nên tương lai của bạn. Mà chính bạn ở hiện tại mới làm được. Bởi vậy nên hãy tập tử tế hơn với bản thân, luôn tự nhắc chính mình rằng bạn xứng đáng có được những điều tốt đẹp hơn thế. Bạn đủ khả năng để tự kiểm soát cuộc đời mình và giúp cho mình tốt lên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sắm một cuốn sổ tay để ghi lại những suy nghĩ tích cực của bạn. Mỗi khi cảm thấy tiêu cực, những dòng suy nghĩ chân thành đó của bạn sẽ là thứ giúp bạn hồi phục lại tinh thần.
Làm gì khi đồng nghiệp có tâm lý nạn nhân?
Nếu đồng nghiệp của bạn có tâm lý nạn nhân, việc giúp đỡ họ có thể sẽ vô cùng khó khăn. Bởi dù cho bạn có khuyên nhủ đến mấy, những người này cũng khó lòng thay đổi niềm tin của họ. Sự tiêu cực của họ cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn phần nào.
Dưới đây là một vài cách để bạn duy trì mối quan hệ công sở lành mạnh khi làm việc với một người mắc chứng victim complex:
Nhận biết những dấu hiệu của tâm lý nạn nhân
Nếu thành viên nào trong đội nhóm của bạn thường xuyên than thở về vấn đề của họ, trong khi chẳng bao giờ thấy nói về cách họ sẽ vượt qua vấn đề, rất có thể người đó có tâm lý nạn nhân.
Nếu không muốn bị ảnh hưởng, bạn nên sớm nhận biết những biểu hiện của tâm lý nạn nhân để có cách phòng tránh hoặc can thiệp kịp thời. Một số biểu hiện thường thấy là:
- Luôn đổ lỗi cho người khác khi làm sai, hoặc khi không đạt được KPI
- Luôn nói về những vấn đề của mình nhằm tìm kiếm sự thương hại từ người khác
- Không muốn tham gia vào mọi hoạt động bonding của team, hoặc nếu có tham gia thì cũng không tỏ vẻ hưởng ứng
- Thường nghĩ rằng họ khó “làm được việc” hơn người khác vì họ có nhiều khó khăn hơn, hoặc không được hậu thuẫn bằng
- Thường được “điểm mặt chỉ tên” mỗi khi có drama chốn công sở
- Chỉ chịu nhận task sau khi đã “mặt nặng mày nhẹ” với cấp trên nhiều lần
Nguyên tắc cần biết khi làm việc với những người có tâm lý nạn nhân là không nên cố gắng khuyên nhủ hay giúp họ thay đổi. Vì trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ đang làm chuyện “công cốc” mà thôi. Thay vào đó, hãy gợi ý cho họ tìm gặp các chuyên gia tâm lý để tự giải quyết vấn đề của mình.
Tập nói “không” khi cần thiết
Những người có tâm lý nạn nhân không muốn chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Vậy nên họ có thể sẽ nhờ vả bạn làm việc giúp họ thường xuyên.
Tuy nhiên, hãy luôn đặt bản thân bạn là ưu tiên hàng đầu. Nói “không” với đồng nghiệp khi cần thiết. Ví dụ như nếu bạn quá bận rộn với công việc, bạn nên từ chối mọi lời nhờ vả của đồng nghiệp.
Bạn cũng không nên can thiệp quá sâu vào công việc của người khác. Nhất là khi đó không phải là trách nhiệm của bạn. Hỗ trợ đồng nghiệp là một việc tốt, nhưng nếu họ làm sai, hãy để họ tự chịu trách nhiệm với công việc của mình.
Trao đổi với bộ phận Nhân sự
Nếu nhận ra trong team có “Thị Mầu”, nghĩa là bạn cũng đã bị họ ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, điều cần làm lúc đó là cho cấp trên cũng như bộ phận Nhân sự biết về tình hình để có biện pháp can thiệp khi cần thiết. Tránh tạo ra môi trường làm việc độc hại, nặng nề, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của người khác.
Đừng sợ bị quy chụp là có tư thù với đồng nghiệp bởi nhu cầu được làm việc trong một môi trường an toàn và lành mạnh là vô cùng thiết yếu. Khi đã nắm rõ tình hình, bộ phận Nhân sự sẽ triển khai những kế hoạch cần thiết để hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi lao động của bạn.
Đặt giới hạn rõ ràng ngay từ đầu
Đối với những người có vị trí thuộc cấp quản lý hoặc lãnh đạo đội nhóm, điều quan trọng là cần đặt ra những ranh giới và nguyên tắc làm việc rõ ràng để duy trì mối quan hệ công việc giữa các thành viên trong nhóm.
Chẳng hạn như nguyên tắc đặt và hoàn thành deadline, nên làm gì khi họp nhóm, không nên đổ lỗi cho người khác khi không hoàn thành công việc, những điều nên và không nên khác.
Những nguyên tắc trên nên được các thành viên thống nhất và cùng nhau đồng thuận để tránh xích mích sau này. Nếu ai đó liên tục vi phạm mà không có thái độ tiếp thu hay chịu sửa đổi, người lãnh đạo nhóm cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn để giải quyết vấn đề.
Xây dựng văn hóa đoàn kết trong đội nhóm
Công việc và những chỉ tiêu hàng tháng có thể sẽ biến công việc văn phòng trở thành thứ trách nhiệm ngột ngạt và buồn chán. Nếu quá chú trọng vào thành tích, cảm giác nặng nề và có lỗi mỗi khi không hoàn thành chỉ tiêu là điều không thể tránh khỏi.
Bạn có thể thay đổi điều đó bằng cách tạo ra nhiều hoạt động team building cho team của mình. Chẳng hạn như tổ chức những trò chơi tập thể để các thành viên kết hợp với nhau, hoặc những chuyến đi ăn uống, dã ngoại trong thành phố hàng quý. Cũng như xây dựng những văn hóa ứng xử khi làm việc trong đội nhóm. Chẳng hạn như văn hóa cảm ơn – xin lỗi khi cần thiết.
Việc nhận được những lời cảm ơn từ đồng nghiệp sẽ giúp người có tâm lý nạn nhân giảm bớt ác cảm với đồng nghiệp hơn. Từ đó hạn chế nghĩ mình bị chèn áp, hãm hại mỗi khi có vấn đề xảy ra.
Hành động khi cần thiết
Trong trường hợp tệ nhất, “Thị Mầu” vẫn liên tục làm việc thiếu hiệu quả hoặc gây ảnh hưởng đến người khác, người quản lý nhóm có quyền can thiệp bằng những biện pháp nghiêm khắc hơn. Chẳng hạn như góp ý thẳng thắn với người đó, hoặc gửi mail nhắc nhở.
Lúc đó, những sai phạm của “Thị Mầu” không những ảnh hưởng đến bạn mà còn kéo hiệu suất của cả nhóm xuống. Vì vậy, bạn cần tổ chức những cuộc họp riêng có sự hiện diện của HR và người có tâm lý nạn nhân để giải quyết vấn đề trực tiếp với người đó.
Nhân sự sẽ đóng vai trò là bên thứ ba, tham gia vào cuộc họp và lắng nghe cả hai phía để xác định vấn đề. Nếu tình hình không thể cải thiện nữa, bạn nên cân nhắc ngừng hợp tác để tránh lãng phí thời gian của nhau.
Điểm danh 3 nhân vật hiện thân của Victim Complex
*Lưu ý: nội dung bài viết có spoil
Grace Stewart trong phim The Others
Một người phụ nữ tên Grace Stewart (Nicole Kidman thủ vai) sinh sống cùng 2 đứa con và 3 người hầu trong một dinh thự rộng lớn và cũ kỹ. Một thời gian sau, Grace bắt đầu nhận thấy ngôi nhà của mình xuất hiện những hiện tượng kỳ dị. Cô cho rằng một gia đình lạ mặt nào đó đang cố gắng ám gia đình cô để chiếm đoạt ngôi nhà.
Thế nhưng, mọi chuyện dần được hé lộ khi Grace phát hiện ra những người hầu trong nhà đã qua đời cách đây rất lâu. Hóa ra, cả Grace và con của cô mới chính là những hồn ma luôn lởn vởn trong ngôi nhà này. Và gia đình mà cô đề phòng thật ra lại là những người đang sinh sống ở đây.
Grace, cũng giống như bao “Thị Mầu” khác, là người đầu tiên nhìn thấy các vấn đề. Nhưng luôn suy diễn chúng theo chiều hướng tiêu cực, mà không nghĩ đến cách giải quyết. Xuyên suốt bộ phim, người xem đã bị Grace đánh lừa rằng mình là nạn nhân. Để rồi nhận ra chính cô đã ra tay đánh đập con mình đến chết vì nóng giận.
Nhưng hiển nhiên là Grace chẳng nhớ gì về tội lỗi của mình. Thay vào đó, cô đổ tội lên đầu những gia đình chuyển đến sống ở ngôi nhà cũ. Và cho rằng họ mới là người muốn phá hoại gia đình mình.
Anna trong phim The Uninvited
The Uninvited là một bộ phim làm lại từ tác phẩm kinh dị Tale of Two Sisters của Hàn Quốc. Sau khi trở về từ trại điều dưỡng, Anna (Emily Browning thủ vai) trở về nhà với cha mình là Steven (David Strathairn thủ vai) và chị gái Alex (Arielle Kebbel thủ vai). Từ sau trận hỏa hoạn, Anna phải tìm đến Alex để được an ủi tinh thần.
Thế nhưng, chẳng những vỗ về người em gái, Alex lại luôn tỏ ra tránh né và ghét bỏ cô. Mối quan hệ của họ chỉ được hàn gắn khi cả hai đều ghét người mẹ kế của mình – Rachel. Anna và Alex bắt tay vào điều tra về người mẹ kế này. Nhằm làm rõ lý do đằng sau cái chết của mẹ.
Cái kết của bộ phim khiến khán giả phải ngỡ ngàng khi biết, Alex thật ra đã qua đời cùng với mẹ mình trong vụ hỏa hoạn trước đây. Hồi ức tái hiện lại, Anna chính là người đã gây ra vụ hỏa hoạn. Cũng là người đã ra tay giết chết người thân của mình.
Chính sự bi quan và tiêu cực của Anna đã dẫn đến kết cục đau lòng của gia đình này. Thế nhưng, trong suy nghĩ của Anna, cô không bao giờ nhìn nhận bản thân là hung thủ. Ngược lại, Anna tin rằng những gì mà cô gặp phải là do bị người khác hãm hại. Mà cụ thể ở đây là cô y tá Rachel.
Malcolm trong phim Identity
Mười người lạ mặt chạm trán với nhau và cùng bị kẹt lại tại một nhà nghỉ tồi tàn trong một đêm mưa to gió lớn. Họ sớm nhận ra rằng một tên sát nhân nào đó đang rình rập, chực chờ lấy mạng của họ. Và kẻ đó có thể là bất cứ ai trong số mười người này. Những bí mật đen tối của mười vị khách trọ bất đắc dĩ dần được hé lộ ra.
Mãi đến gần kết phim, khán giả mới nhận ra rằng cả mười nhân vật trong phim đều không có thật. Đó chỉ là mười nhân cách của gã tử tù Malcolm Rivers mà thôi. Malcolm được chẩn đoán mắc phải hội chứng rối loạn đa nhân cách.
Khi Malcolm còn nhỏ, mẹ của hắn bị một gã nào đó giết chết. Từ đó, Malcolm trở thành trẻ mồ côi và tự sản sinh ra nhiều nhân cách khác nhau. Như một cách để đối mặt với những tổn thương tinh thần của mình. Hóa ra, vụ án mạng tại nhà nghỉ là ảo tưởng do Malcolm xây dựng nên. Và cũng chính hắn là hung thủ đã tự tay giết chết mười nhân cách của mình.
Malcolm có một đặc điểm giống với một số người mắc hội chứng victim complex. Đó là đều bị ảnh hưởng từ tổn thương trong quá khứ. Do đó khi lớn lên, những người có victim complex luôn nhìn nhận bản thân là nạn nhân. Dù là vì lý do gì thì cũng sẽ luôn có người muốn làm tổn thương họ.
Những người luôn đổ lỗi cho người khác mặc kệ đúng sai.
Thường làm quá, kịch tính hóa và tiêu cực hóa những chuyện xảy ra.
Với mục đích đổ lỗi hoặc tìm kiếm sự thương hại từ người khác.
Lảng tránh trách nhiệm.
Giải thích thay vì giải quyết.
Luôn có cái nhìn bi quan.
Luôn tự ti về bản thân.
Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ cá nhân.
Luôn cảm thấy có lỗi, mặc cảm hoặc không thể làm hài lòng người khác.
Luôn cảm thấy ngột ngạt, uể oải.
Khó cảm thấy hài lòng với cuộc sống.
Cảm thấy tuyệt vọng vì không thể thay đổi hiện thực.
Lo sợ sẽ bị hãm hại hoặc lợi dụng bởi những người xung quanh.
Không cảm thấy hài lòng với những thành công mà mình đạt được.