Victim Blaming là gì? Vì sao chúng ta muốn tin người bị hại chính là kẻ ác

Victim blaming là gì? Một thời gian trước đây, vụ việc nữ du học sinh ở Hàn Quốc tố bị hiếp dâm tập thể bởi những người đồng hương với mình gây xôn xao dư luận. Nhiều người tỏ ra thương xót, phẫn nộ, thương cảm cho nạn nhân. Và ngỏ ý muốn hỗ trợ gia đình bạn nữ lan truyền vụ việc này rộng rãi.

Đáng nói là ngay sau đó, một trong những kẻ bị nữ du học sinh tố hiếp dâm đã đăng đàn “phản pháo” ngược lại. Tình tiết sự việc trở nên phức tạp hơn khi nam thanh niên này liên tục khẳng định nạn nhân là người dụ dỗ mình “lên giường”.

Victim blaming là gì?

Victim blaming gần đây trở thành một hiện tượng phổ biến bên cạnh các hành vi độc hại trên mạng. Mỗi khi có sự việc tiêu cực nào xảy ra, chúng ta dễ dàng thấy được nhiều bình luận trái chiều có tính chất đổ lỗi cho nạn nhân. Mà thậm chí đến cả chủ nhân của những bình luận đó còn không biết victim blaming là gì. 

Victim blaming, tiếng Việt là “đổ lỗi cho nạn nhân”, là hành vi cáo buộc nạn nhân bị bạo hành là nguyên nhân dẫn đến sự bạo hành đó. Thay vì lên án kẻ đã gây ra tổn thương cho họ. Theo định nghĩa của SACE – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ trẻ vị thành niên là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Victim blaming buộc nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho bi kịch đã xảy ra với họ
Victim blaming buộc nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho bi kịch đã xảy ra với họ

Hành vi này xuất phát từ niềm tin chủ quan vào câu nói “không có lửa làm sao có khói”. Khi xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tệ nạn. Người ta tin rằng chính những người bị hại cần phải có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân trước.

Một số khác lại có niềm tin vào định luật nhân quả. Vậy nên khi một người gặp phải chuyện chẳng lành, đó là do họ “gieo nhân nào, gặt quả đó.” 

Dễ thấy mỗi khi những vụ bạo lực tình dục xảy ra, nhiều người thường đổ lỗi cho nạn nhân. Vì đã ăn mặc “hớ hênh”, gợi cảm, khiến thủ phạm khó kiềm chế bản thân. Tương tự, nếu một người bị bạo lực thể chất, người ta sẽ cho rằng “do nó nói chuyện hống hách đó thôi.”

Victim blaming bắt nguồn từ đâu?

Vào những năm 1960, một loạt những cuộc thí nghiệm để đời trong giới tâm lý đã được thực hiện bởi tiến sĩ Melvin Lerner cùng những người cộng sự của mình. 

Chuỗi thí nghiệm nhằm khám phá tâm lý đằng sau “giả thuyết thế giới công bằng” của ông là nền tảng đã giúp khám phá ra thuật ngữ “victim blaming” sau này. 

Theo tiến sĩ Lerner, giả thuyết thế giới công bằng là nguồn cơn dẫn tới tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân. 

nguồn gốc victim blaming
Những thí nghiệm tâm lý của Melvin Lerner là nền tảng để nghiên cứu victim blaming

Để chứng minh cho luận điểm của mình, năm 1966, Lerner và cộng sự đã thực hiện một chuỗi thí nghiệm sử dụng biện pháp giật điện. Những người tham gia sẽ bị buộc phải chứng kiến người khác bị giật điện mà không thể làm gì để ngăn lại. 

Ban đầu, những người quan sát tỏ vẻ không thoải mái khi phải xem những cảnh tượng này. Nhưng càng về sau, khi việc giật điện liên tục tiếp diễn mà người quan sát không thể làm gì để can thiệp vào tình huống đó, họ bắt đầu nhục mạ nạn nhân.

Thực tế là thế giới không hoàn toàn công bằng. Chúng ta đều có thể gặp bất hạnh không vì lý do gì cả. Tuy nhiên, khi phải liên tục chứng kiến sự đau khổ và không ra tay cứu được. Những người tham gia thí nghiệm có xu hướng xem nạn nhân là người đáng bị dày vò. Nhằm bảo vệ cho thiên kiến nhận thức của mình. 

Sau này, nhiều nhà nghiên cứu khác phát hiện ra hiện tượng này cũng xảy ra đối với những trường hợp mà nạn nhân bị lạm dụng tình dục, bạo hành hay nghèo đói. Năm 1971, nhà tâm lý William Ryan tạo ra thuật ngữ “blaming the victim” – đổ lỗi cho nạn nhân trong tựa sách cùng tên.

Nguyên nhân đằng sau Victim blaming là gì?

Quy chụp sai lệch căn bản (fundamental attribution error)

Hiện tượng quy chụp sai lệch căn bản là khi chúng ta quá tập trung vào những yếu tố nội tâm (bản chất, tính cách,…). Mà bỏ qua những ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài (bối cảnh, tình huống,…) khi lý giải hành vi của một người nào đó. 

Chẳng hạn như khi thấy một người gặp trắc trở trong công việc, chúng ta dễ dàng quy chụp họ là người không có chí tiến thủ, lười lao động hoặc năng lực kém.

Trong khi nếu mình là người có vấn đề, chúng ta thường đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn như môi trường làm việc áp lực, đồng nghiệp xấu tính, công việc không phù hợp,…

nguyên nhân của victim blaming
“Sở trường của tui là bắt lỗi người khác và làm ngơ lỗi của mình”

Thiên lệch nhận thức muộn (Hindsight Bias)

Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias) là hiện tượng một người tự đánh giá cao khả năng tiên liệu trước tương lai của mình.

Khi nhìn lại sự kiện nào đó trong quá khứ, một người sẽ tin rằng họ đã nhìn thấy những dấu hiệu từ ban đầu và sớm dự đoán trước kết quả. Dù trên thực tế, người đó khó mà biết trước được kết quả khi sự kiện đó diễn ra. 

  • Đồng nghiệp nộp đơn xin nghỉ việc? Ngay từ đầu đã biết là không hợp với công việc này rồi mà còn xin vô.
  • Bị trượt phỏng vấn tuyển dụng á? Do cậu bất tài đấy!
  • Hôm nay chị X đến công ty trễ do kẹt xe hả? Đáng ra chị phải đi làm sớm hơn chứ!
nguyên nhân của victim blaming
“Thấy chưa, biết ngay nó sẽ như vậy mà!”

Từ lẽ đó, nhiều người tin rằng những sự kiện ngoài ý muốn như tai nạn, thiên tai, bạo lực hay lạm dụng tình dục đều có thể tránh được nếu nạn nhân sớm nhận biết được các dấu hiệu trước đó. Dù thực chất là không hề có cơ sở nào để chúng ta dự đoán được tương lai cả. 

Thiên kiến “Ông trời có mắt” (just world hypothesis)

Tâm lý đổ lỗi cũng bắt nguồn từ niềm tin vô định rằng xã hội luôn được vận hành theo quy luật công bằng (just world hypothesis). Khi một người gặp chuyện không may, người ta thường mặc định rằng họ hẳn đã phải làm điều gì tồi tệ để nhận lại hậu quả đó. Từ đó, chúng ta tự dặn lòng không làm những việc mà người đó đã làm để tránh rơi vào trường hợp tương tự.

nguyên nhân của victim blaming
Gieo nhân nào chưa chắc gặt quả đấy

Chúng ta buộc phải thừa nhận một sự thật rằng, những chuyện xui rủi đến với mỗi người giống như một lẽ ngẫu nhiên. Không theo định luật, không có nhân quả gì cả. Không phải cứ “ở hiền” là ắt sẽ “gặp lành”. 

Thiên kiến “ông trời có mắt” lúc này giống như một ảo tưởng mà con người dựng nên. Để tin rằng bi kịch gần như không thể xảy ra với họ. Do đó, họ có thể tự bảo vệ được mình và không dễ bị tổn thương.

Victim blaming ảnh hưởng đến nạn nhân như thế nào?

Thoạt nhìn, victim blaming chỉ là những lời nói, hành vi vô cảm đến từ những người không trải qua bi kịch. Tuy nhiên, “sát thương” mà nó gây ra với nạn nhân không thua kém gì kẻ thủ ác. 

Theo chuyên gia tâm lý Anju Hurria, việc bị victim blaming khiến cho những nạn nhân bị lạm dụng cảm thấy như họ đang bị lạm dụng lại lần nữa. Chẳng những vậy, nạn nhân bị đổ lỗi còn phải đối mặt với nhiều chấn thương tâm lý khác như lo âu, trầm cảm.

Nghiêm trọng hơn, nó làm nạn nhân tự ghê tởm bản thân. Từ đó có thể phát sinh ý muốn tự vẫn. Và làm giảm thiểu động lực trình báo sự việc lên cơ quan chức năng của họ. Bởi nạn nhân không cảm thấy được tin tưởng. Hoặc không muốn phải đối mặt với những hệ quả tiêu cực kéo theo sau đó.

ảnh hưởng của victim blaming
Nếu bạo hành ảnh hưởng đến thể chất, thì bị đổ lỗi ảnh hưởng đến tinh thần nạn nhân

Một nghiên cứu tâm lý cho biết, có 3 nguyên nhân thường thấy khiến cho những nạn nhân từng bị bạo hành không muốn tiết lộ về trải nghiệm của họ. Đó là: 

  1. Những phản ứng tiêu cực từ cơ quan chức năng

Khiến nạn nhân mất lòng tin về tính hiệu quả của việc tiết lộ trải nghiệm bị bạo hành của mình.

  1. Những phản ứng tiêu cực từ gia đình

Và cả những người xung quanh, khiến cho nạn nhân bị bạo hành tự oán trách bản thân.

  1. Tự nghi ngờ và đổ lỗi cho bản thân

Liệu trải nghiệm mà họ gặp phải có đủ tiêu chuẩn để được tính là bạo hành hay không. 

Victim blaming tác động gì đến người đổ lỗi?

Victim blaming là một hành vi nhận thức sai lệch không nên được dung thứ trong mọi hoàn cảnh. Chẳng những làm tổn hại về thể xác lẫn tinh thần người bị bạo hành. Victim blaming còn gián tiếp giúp kẻ bạo hành thoái thoát trách nhiệm cho hành vi của mình.

ảnh hưởng của victom blaming
Dù được bồi thường, nạn nhân và gia đình buộc phải chịu thỏa hiệp với những kẻ đã làm hại mình

Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân sẽ bị những kẻ bất chính lợi dụng. Nhằm có cơ hội để làm hại hết người này đến người khác. Để rồi sau đó đe dọa nạn nhân không được tiết lộ chuyện bị bạo hành với ai.

Kẻ thủ ác có thể sẽ tìm cách thao túng tâm lý nạn nhân. Bằng cách buộc họ tin rằng họ xứng đáng bị như vậy. Hay cho dù họ có kể với ai đi chăng nữa thì cũng sẽ không người nào tin. 

Khi chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân thay vì lên án kẻ ác. Chúng ta vô hình chung cũng trở thành những kẻ bạo lực đang tiếp tay cho những kẻ bạo lực khác. Cái cần được triệt tiêu thì không triệt tiêu. Mà số nạn nhân bị bạo hành vẫn ngày một nhiều hơn. 

Làm sao để thoát khỏi tâm lý Victim blaming?

Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói

Chúng ta có thể bắt gặp victim blaming ở mọi hình thức. Nhưng thường thấy nhiều nhất là ở trong những lời nói. Nhà văn Manly Hall từng có câu: “Lời nói là thứ vũ khí mạnh mẽ cho mọi mục đích, kể cả tốt và xấu.

Rất dễ để chúng ta buông lời thóa mạ nạn nhân “Bị vậy là đáng!”. Nhưng rất khó để một người vượt qua được những tổn thương tâm lý mà lời nói đó gây ra.

victim blaming
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Vì vậy, trước khi vội đưa ra quan điểm cá nhân trước bi kịch của ai đó. Thử cân nhắc xem bạn có đang đổ lỗi cho họ hay không. Dưới đây là một số câu nên và không nên nói với nạn nhân bị lạm dụng thường gặp. 

Điều không nên nói

  • “Đó là bản năng của đàn ông rồi, bạn phải biết tự bảo vệ lấy mình ngay từ đầu chứ!”
  • “Em ăn mặc khiêu gợi như vậy là đang tạo cơ hội cho người ta cưỡng bức mình đấy!”
  • “Nếu chuyện đó là thật, vậy sao bây giờ mới khai báo?”
  • “Thái độ như vậy thì bị đánh là phải”
  • “Lúc đó em làm gì mà không biết đánh trả lại hắn?”

Điều nên nói

  • “Anh rất tiếc vì em đã gặp phải chuyện như vậy. Anh có thể làm gì để giúp em không?”
  • “Không sao đâu, cậu đừng sợ, có tớ ở bên cậu đây”
  • “Mình tin cậu”
  • “Mình sẵn lòng cùng bạn vượt qua chuyện này”

Tin vào lời nói của nạn nhân

Một trong những điều tệ nhất khi nói về việc bị lạm dụng của mình là không được tin tưởng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho người bị hại thường không muốn khai báo về trường hợp của mình.

hậu quả của victim blaming
Không tin lời nạn nhân bị lạm dụng giống như đang lạm dụng họ lần nữa

Dù trong bất kỳ tình huống nào, nạn nhân không bao giờ là người có lỗi. Vậy nên nếu bạn nghi ngờ câu chuyện của họ, dừng lại. Điều bạn đang làm chẳng những không giúp ích gì mà còn làm cô lập cảm xúc của nạn nhân. 

Nếu ai đó kể với bạn về trải nghiệm bị lạm dụng của họ. Hãy thể hiện rằng bạn tin tưởng họ thay vì nghi ngờ vô căn cứ. Đó là cách hữu dụng nhất để giúp cho nạn nhân cảm thấy an toàn hơn. Từ đó có đủ dũng khí để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kẻ phạm tội. 

Lên án kẻ bạo hành

Không ai làm chuyện xấu mà chịu thừa nhận việc mình làm cả. Trong hầu hết trường hợp, kẻ bạo hành luôn tìm cách để biện minh cho hành động của hắn. Nhằm thoái thoát trách nhiệm hoặc khiến cho điều hắn làm trở nên hợp lý hơn.

Không bao giờ được tin vào lời biện minh của người đã làm tổn thương người khác. Cũng như cần phải buộc hắn phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm. 

hậu quả của victim blaming
Con trai hay con gái thì cũng cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình

Bạn có thể hỗ trợ nạn nhân trình báo với cơ quan chức năng, báo cáo với các bên liên quan để kịp thời xử lý. Nếu kẻ bạo hành đang ra sức biện minh cho hành động của mình. Hãy lặp lại những gì mà hắn đã gây ra với nạn nhân bằng một thái độ cứng rắn. 

Thể hiện cho kẻ đó hiểu rằng có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề. Nhưng chính hắn đã quyết định hành hạ người bị hại. Do đó, hắn cần chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. 

Điểm danh hành động Victim blaming điển hình mà bạn chưa biết

Victim blaming nằm ở tư duy của mỗi người. Do đó, nó không chỉ thể hiện qua lời bạn nói. Mà còn là việc bạn làm, cách bạn nhìn nhận vai trò giới, cũng như điều mà bạn giáo dục thế hệ tương lai của mình.

Dưới đây là một số hành động khuyến khích tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân mà bạn có thể đã gặp, đã làm nhưng chưa biết.

  • Đổ lỗi cho nạn nhân – “Nó muốn như thế còn gì!”
  • Bình thường hóa việc quấy rối tình dục – “Nó là con trai nên nó mới làm như vậy” 
  • Sử dụng, dung túng các câu đùa liên quan đến lạm dụng tình dục (rape jokes)
  • Làm ngơ khi thấy có ai đó bị quấy rối tình dục hoặc bạo hành 
  • Quan tâm thái quá đến yếu tố bên ngoài của nạn nhân thay vì lên án thủ phạm
  • Ủng hộ phim ảnh, tựa báo liên quan đến bạo lực giới 
  • Định nghĩa “tính nam” là phải thống trị, hung hăng và ham muốn tình dục
  • Định nghĩa “tính nữ” là phục tùng “tính nam” và thụ động về tình dục
  • Khuyến khích các hành vi tán tỉnh phụ nữ mà không có sự đồng thuận của nam giới nhằm thể hiện “sự đàn ông” của mình
  • Khuyến khích các hành vi chịu đựng, ngó lơ khi bị quấy rối tình dục của phụ nữ nhằm thể hiện “sự nữ tính” của mình
  • Cho rằng chỉ có phụ nữ lăng loàn, hư hỏng mới bị cưỡng bức
  • Cho rằng nam giới không thể nào bị cưỡng bức được, nếu có thì là “số hưởng”
  • Giáo dục phụ nữ tự bảo vệ mình không bị quấy rối tình dục mà không dạy nam giới phải tôn trọng phụ nữ